Tình hình chăn nuôi Nuôi trâu

Tổng đàn

Số trâu vào năm 2004. Chấm đỏ=1 triệu; chấm vàng=10 triệu; chấm lục=100 triệu

Theo ước tính của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), thế giới có khoảng 153 triệu con trâu mà 97% trong số đó thì ở châu Á và Việt Nam hiện có gần 3 triệu con[1]. Một thông số khác cho biết có đến 95,8% số lượng trâu được nuôi tập trung ở châu Á bao gồm cả trâu sông và trâu đầm[10] Tính đến năm 1992 Á châu có 141 triệu con trâu. Trâu đầm lầy thấy có mặt từ Phillipines cho tới miền viễn tây Ấn Độ, trâu loại này nuôi để cày kéo và lấy thịt, hầu như không nuôi để lấy sữa. Trâu sông thì nuôi để kéo và lấy sữa thấy có mặt từ Ấn Độ tới Ai Cập và cả châu Âu.

Tại Ấn Độ hiện đang nuôi đến 97.9 triệu con trong 2003 đại diện cho 56.5% tổng số trâu của thế giới [11] Vào năm 2003, tổng số trâu lớn thứ nhì thế giới thuộc về Trung Quốc với 22.759 triệu con với đa dạng giống các loại trâu đầm và trâu đất thấp. Cũng trong năm 2003, các loại trâu đầm ở Philippines là 3.2 triệu con và gần 3 triệu con ở Việt Nam, Bangladesh cũng có 772,764 con và khoảng 750,000 ở Sri Lanka in 1997[10]. Ở Pakistan có 23.47 triệu con trong 2010 trong đó 76% được nuôi tại tỉnh Punjab[12][13]. Tại Thái Lan vào năm 1996 có hơn 3 triệu con và ngày nay còn ít hơn 1.24 triệu con trong năm 2011[14] Ở Irac, sau khi chế độ của Satdam sụp đổ, người ta thống kê được có 40,008 con trâu[15]Úc, tổng cộng có khoảng 150,000 đến 200,000 con trâu, chủ yếu được nuôi ở các vùng thuộc lãnh thổ phương Bắc, Timor, Kisar[16], một số đã trở thành trâu hoang với 150,000 được tìm thấy ở bắc Australia trong năm 2008[17]

Châu Á

Trâu châu Á được thuần hóa đầu tiên ở Ấn Độ và Pakistan cách đây 5.000 năm. Ở Ấn Độ con trâu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông thôn. Sữa trâu ở Ấn Độ chiếm 35% tổng sản lượng sữa các loại. Bơ sữa trâu là nguồn dầu ăn chủ yếu của Ấn Độ và Pakistan. Ở Ấn Độ 1 kg sữa trâu có giá 200 paisa còn sữa bò chỉ có giá 130 paisa. Ấn Độ là nước nuôi nhiều trâu nhất trên thế giới. Ở nước này người ta sử dụng sữa của trâu thay cho sữa bò. Ở các nước như Ấn Độ và Ai Cập, trâu địa phương cho sản lượng 680 – 800 kg trong một chu kỳ sữa, trong khi đó sản lượng sữa của bò địa phương chỉ đạt 360 – 500 kg.

Khá nhiều giống trâu sông tồn tại ngày nay là kết quả lai tạo giữa các giống trâu khác tạo nên. Khoảng những năm 50 của thế kỷ 20, Nili và Ravi là hai giống trâu riêng biệt, được nuôi nhiều ở Pa-kis-tan. Do việc quản lý đàn trâu nuôi trong dân khó khăn, lại mua bán giao dịch tự do nên hai giống trâu này nuôi đan xen lẫn nhau, việc giao phối tự do giữa hai giống trâu này xảy ra qua nhiều năm, nhiều thế hệ đã dần xoá bỏ sự khác biệt về giống rồi ngẫu nhiên hình thành giống trâu Nili-Ravi ngày nay. Trâu Nili-Ravi hiện là một trong những giống trâu có sản lượng sữa cao, đang được nhiều nước sử dụng để lai cải tạo khả năng sản xuất của trâu địa phương

Tương tự như giống trâu Nili-Ravi, ở Ấn Độ còn tồn tại nhiều giống trâu sông và trong quá trình phát triển đã xảy ra rất nhiều trường hợp giao phối tự do giữa các giống ngoài ý muốn và sự kiểm soát của con người, vì vậy thực tế chỉ có khoảng 20-25% tổng số trâu là thuần chủng số còn lại bị pha tạp các giống không xác định được cụ thể. Tuy vậy để kết hợp những tính năng sản xuất tốt của các giống trâu người ta cũng đã chủ động cho lai giữa một số giống khác nhau để tạo giống mới có khả năng sản xuất hoàn thiện hơn.

Một con trâu ở Xây Lan

Người ta đã lai giữa trâu cái Surti và trâu đực Murrah để hình thành một giống trâu mới là trâu Mehsana có tuổi đẻ lứa đầu sớm hơn, thời gian cạn sữa ngắn hơn và khoảng cách lứa đẻ gần hơn, nhưng sản lượng sữa vẫn còn thấp hơn so với trâu Murrah thuần chủng. Cũng lai giữa giống trâu địa phương của bang Andhra Pradesh với trâu Murrah sau nhiều thế hệ ổn định đã hình thành giống trâu mới Godavari có hình dáng và khả năng sản xuất tương tự trâu Murrah thuần chủng nhưng rất thích hợp với điều kiện địa phương.

Srilanka, khi đảo Ceylon giành độc lập, nguồn sống chính phụ thuộc vào nông nghiệp Việc giết mổ trâu bất hợp pháp, thậm chí giết mổ bất hợp pháp cả trâu lẫn bò chiếm khoảng 30% về lượng thịt cung cấp cho các vùng thành thị. Các động vật sống được vận chuyển bằng xe tải đến các lò mổ trừ lò mổ ở thủ đô Colombo là có các chuồng tạm thời hoặc các chuồng nhốt lâu dài. Thịt được bán đồng hạng trừ ở các siêu thị. Việc vận chuyển bò hoặc để giết mổ hoặc để chọn giống phải có giấy phép của cơ quan thú y vùng. Giới hạn giá cả ở các thị trường chênh nhau từ 0,20 Rs/kg tới 20 Rs/kg, giới hạn cao hơn được bán ở giai đoạn bán buôn. Các giống trâu được nhập là Surti, Murrah và Nili-Ravi, nâng cấp đàn trâu hiện có tới 50% Murrah, và/hoặc Nili-Ravi[18].

Trâu đầm lầy nuôi ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á thường được coi là con vật cho ít sữa. Thực ra tiềm năng cho sữa của chúng cũng bị đánh giá sai, ở Thái Lan trâu đầm lầy được chọn lọc và nuôi để lấy sữa mỗi ngày cho 3 – 5 kg sữa (915 - 1.525 kg/chu kỳ 305 ngày) [1]. In-đô-nê-xia có quần thể trâu đầm lầy lớn ngay sau Việt Nam. Đặc điểm của một đất nước có tới 13 nghìn hòn đảo và trải dài qua nhiều kinh tuyến đã hình thành nên nhiều loại hình khác nhau về màu sắc lông da, tầm vóc và cả về tập tính như trâu Aceh, trâu Java, trâu Binanga, trâu Moa, trâu Kalang, trâu lang trắng đen.v.v. Indonesia cũng tiến hành công tác chọn lọc nhân thuần trong từng loại hình để giữ sự đa dạng và làm cơ sở lai tạo với trâu sông tạo trâu lai kiêm dụng.

Philipines

Phi-lip-pin có quần thể trâu đầm lầy lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tên gọi là Carabao. Theo truyền thống thì Carabao cũng chỉ sử dụng cho cày kéo là chính, tuy nhiên quá trình cơ giới hoá đã chuyển dần mục đích sử dụng sang lấy thịt và sữa từ những năm 1970, Ở Phillipines, trâu cái nuôi sinh sản cho 300 – 800 kg sữa trong chu kỳ 180 - 300 ngày. Philippines thực hiện chọn lọc nhân thuần đàn trâu địa phương và nhập trâu sông để lai tạo tạo con lai lấy sữa, thịt. Người Phi đã xây dựng hệ thống hạt nhân mở để chọn lọc và cải tiến nâng cao chất lượng đàn, đàn hạt nhân được chọn lọc và xây dựng dựa vào hai chỉ tiêu chính tầm vóc và khả năng sinh sản. Nhằm cải tiến nâng cao khả năng cho thịt và sữa họ nhập trâu Murrah để lai tạo với Carabao.

Một con trâu của Philipin

Trâu Murah Mỹ đã được nhập phối với đàn trâu địa phương tạo con lai có khả năng cho thịt tốt hơn cả về năng suất và chất lượng. Trâu Murrah Bungari cũng được nhập khẩu với những cá thể có sản lượng sữa cao để lai tạo trâu lai hướng sữa. Trâu Murah nhập được nuôi giữ tại một Trung tâm, chọn lọc những cá thể có khả năng sinh trưởng và sinh sản tốt để đưa vào kiểm tra năng suất, và sau khi kiểm tra qua đời sau những trâu đực giống này được khai thác tinh để làm thụ tinh nhân tạo.

Trâu Murrah Bungari cũng được nhập khẩu với những cá thể có sản lượng sữa cao nhằm tạo con lai hướng sữa. Tất cả trâu ngoại nhập đều nuôi giữ riêng, chọn lọc nhân thuần và sản xuất những trâu đực giống tốt để kiểm tra năng suất. Sau khi kiểm tra qua đời sau, những trâu đực giống này được khai thác tinh để làm thụ tinh nhân tạo. Con lai đã thể hiện ưu thế rõ về tầm vóc, khả năng sinh trưởng, năng suất thịt và sữa và cao hơn nhiều so với trâu địa phương. Phi-lip-pin đã thành lập Ngân hàng gen với các dạng tinh đông lạnh, phôi được tạo ra từ những cá thể đặc biệt hoặc ở các nhóm giống tốt khác nhau phục vụ cho công tác cải tiến di truyền nâng cao chất lượng đàn giống và khả năng sản xuất của đàn trâu địa phương

Trung Quốc

Trung Quốc được coi là nước có quần thể trâu đầm lầy lớn nhất thế giới và tổng đàn trâu đứng thứ nhì thế giới. Do đặc điểm sinh thái giữa các vùng trong nước khác nhau đã dẫn đến với cùng một giống trâu đầm lầy mà có tới 14 loại hình khác nhau thích hợp từng vùng. Chiến lược phát triển trâu của Trung Quốc là tạo giống trâu hướng sữa. Họ đã nhập các giống trâu sông như trâu Murrah, trâu Nili-Ravi để lai với trâu đầm lầy địa phương tạo trâu lai kiêm dụng sữa thịt. Trước mắt họ làm tốt việc chọn lọc nhân thuần từng giống trâu địa phương và trâu nhập nội để nâng cao tầm vóc và khả năng sản xuất, trên cơ sở đó sử dụng đực giống trâu sông nhập nội phối với đàn cái nền trâu địa phương.

Ngoài công tác chọn lọc nhân thuần đàn trâu địa phương để lai tạo giống trâu lai hướng sữa, chương trình giống của Trung Quốc còn chọn lọc nhân thuần tạo giống trâu đầm lầy Trung Quốc mới hướng sữa và chọn lọc tạo giống trâu sông mới Binlang Vân Nam lấy sữa. Trung Quốc là quốc gia rất thành công trong việc tạo giống mới thông qua lai tạo giữa trâu sông và trâu đầm lầy địa phương. Để tạo giống trâu sữa mới của Trung Quốc họ đã tiến hành song song hai công việc

Một con trâu mẹ và trâu con ở Trung Quốc
  • Nuôi, chọn lọc, nhân thuần hai giống trâu sông nhập nội là Murrah và Nili-Ravi qua 4 thế hệ tại Trung Quốc. Đồng thời sử dụng trâu đực Murrah và Nili-Ravi lai cấp tiến với trâu cái đầm lầy địa phương đến 3-4 thế hệ (con lai có 87,5-93,75% máu trâu Murrah hoặc Nili-Ravi).
  • Bước tiếp theo là cho giao phối giữa trâu Murrah và Nili-Ravi thuần với trâu lai cấp tiến Murrah và Nili-Ravi, ổn định chỉ tiêu sản xuất qua các thế hệ tiếp theo tạo giống trâu sữa Trung Quốc

Trung quốc là ví dụ điển hình, chiến lược phát triển trâu của Trung Quốc là sử dụng các giống trâu sông như Murrah, Nili-Ravi lai với trâu đầm lầy địa phương tạo trâu lai kiêm dụng sữa thịt. Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc cho lai giữa trâu đầm lầy địa phương với trâu Murrah hay Nili-Ravi, con lai mỗi ngày cũng cho 4 – 5 kg sữa. Đối với những giống trâu sữa (thuộc nhóm trâu sông) của Ấn Độ, Ý hay Pakistan cho 1.500 - 1.900 kg sữa mỗi chu kỳ, tuy nhiên cũng có những con thuộc giống Nili-Navi của Pakistan cho sản lượng 4.300 kg với chu kỳ 285 ngày, trâu sữa vùng Salerno của Ý cũng cho 3.500 kg sữa mỗi chu kỳ[1]. Họ đã rất thành công với con lai 3 máu giữa trâu Murrah và trâu địa phương với trâu Nili-Ravi đã cho sản lượng sữa và tỷ lệ thịt cao hơn nhiều so với trâu đầm lầy địa phương.

Các bước tiến hành để tạo con lai 3 máu gồm hai công đoạn: Tiến hành lai giữa trâu đực Murrah với trâu cái đầm lầy địa phương tạo con lai F1 (50% máu Murrah), Sử dụng trâu đực Nili-Ravi phối với trâu lai F1 (50% máu Murrah) tạo con lai có 50% máu Nili-Ravi, 25% máu Murrah và 25% máu trâu đầm lầy địa phương. Khi có con lai 3 máu, người ta tiếp tục sử dụng trâu đực Nili-Ravi phối với trâu lai trên, con lai 3 máu có tỷ lệ máu trâu Nili-Ravi 87,5-93,75%, máu trâu Murrah 3,125-6,25% và máu trâu đầm lầy địa phương 3,125-6,25%. Con lai 3 máu đã cho khả năng sản xuất cao hơn so với con lai hai máu. Hiện nay con lai 3 máu đang phát triển với số lượng khá lớn ở Trung Quốc, phục vụ phát triển ngành sữa của các địa phương.

Việt Nam

Ở Việt Nam, nuôi trâu là nghề có từ rất lâu đời trong lịch sử. Trâu là động vật quan trọng bậc nhất trong sản xuất nông nghiệp, trong suốt lịch sử, trâu ở Việt Nam chủ yếu để lấy sức kéo nên tiềm năng sản xuất trâu thịt hầu như không được chú ý đến. Thực chất thịt trâu giống như thịt bò về nhiều tính chất cơ bản cấu trúc, thành phần hoá học, giá trị dinh dưỡng, vị ngon. Thịt nghé non, trâu tơ hoặc trâu nuôi chuyên thịt là loại thịt rất ngon, giá bán rất cao. Nhưng hiện nay, ở Việt Nam chủ yếu là giết thịt loại trâu già, trâu loại thải nên màu thịt xẫm, ít mềm hơn và nặng mùi hơn thịt trâu non, vì vậy người tiêu dùng không ưa chuộng. Việt Nam chưa chú trọng thịt trâu vì còn những thành kiến và hiểu biết chưa đúng về thịt trâu, thịt trâu thường là từ trâu cày kéo bị loại thả.

Một con trâu ở Sapa

Trâu Việt Nam chủ yếu được sử dụng để cày kéo, có nhược điểm chung là tầm vóc bé, sinh trưởng chậm, tỷ lệ thịt không cao, nếu không được cải tạo và vỗ béo. Cải tạo trâu theo hướng nuôi thịt là nâng cao tầm vóc, tăng tốc độ sinh trưởng, rút ngắn thời gian nuôi lấy thịt, tăng năng suất thịt trên một đầu trâu đồng thời nâng cao chất lượng thịt trâu. Ngày nay người ta đang áp dụng biện pháp sau chọn lọc những trâu đực và cái có tầm vóc to làm giống là một biện pháp góp phần nâng cao tầm vóc đàn trâu địa phương. Dựa vào ưu thế lai, sử dụng trâu đực giống ngoại cho lai với đàn cái nội đã chọn lọc và tạo con lai có tầm vóc lớn hơn. Tăng cường chế độ dinh dưỡng, nuôi dưỡng chăm sóc hợp lý vỗ béo ở độ tuổi thích hợp tăng khả năng sinh trưởng, tăng năng suất thịt.

Ngày nay, có nhiều quan điểm cho trằng nuôi trâu sinh sản thu lãi cao so với con vật khác, nuôi trâu ít tốn công chăm sóc, nguồn thức ăn sẵn có, chủ yếu là ngoài đồng mang về, lại ít bệnh tật, hiệu quả kinh tế cao. Chuồng trại nuôi trâu chỉ cần khô ráo, thoáng mát, thức ăn không ẩm mốc. Chuồng trại thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Việc nuôi trâu rất đơn giản, thức ăn thiết yếu nhất của loài động vật này chính là cỏ và nước uống[19]. Hiện nay, món thịt trâu đã trở thành đặc sản được nhiều người ưu chuộng. Nhu cầu cung ứng loại thực phẩm này luôn trong tình trạng khan hiếm hàng, nên người chăn nuôi không bị chèn ép giá[19]

Nhiều địa phương có phong trào nuôi trâu phát triển trở lại. Trong khi hầu hết các địa phương trong tỉnh Yên Bái đều chững hoặc giảm tổng đàn trâu, bò thì ở huyện Trạm Tấu, đàn trâu, bò lại tăng nhanh. Trâu được ăn rơm, cây ngô, cỏ trồng nên vẫn béo khoẻ. Trước đó người ta vẫn quen tập quán thả rông gia súc và chưa biết cách phòng chống đói rét cho trâu, bò. Rơm và cỏ voi là nguồn thức ăn được chủ động chuẩn bị đầy đủ cho trâu trong mùa giá rét. Làm giàu từ nghề nuôi trâu thương phẩm. Nhiều nơi chủ yếu chăn thả tận dụng rơm, cỏ sẵn có ngoài đồng nên gia đình hầu như không phải cho ăn thêm các thức ăn bổ sung. Ở Hà Nội, người ta còn nuôi trâu ngay ở đô thị[19]. Ngoài ra còn có mô hình nuôi trâu vỗ béo ở Dồm Cang, Bắc Ninh, người dân làm giàu từ nghề nuôi trâu thương phẩm. Bằng nghề nuôi trâu vỗ béo thương phẩm, nhiều hộ gia đình nuôi thường xuyên, những năm về trước, ở Lũng Giang nghề chăn nuôi trâu thương phẩm chưa phát triển, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong các hộ gia đình nay đã quy mô[20].

Châu Âu

Trâu vẫn được nuôi nhiều ở vùng châu Âu, nhất là vùng gần Địa Trung Hải. Người ta vẫn tin rằng trâu là con vật sống duy nhất ở vùng nhiệt đới, tuy nhiên trâu sông đã được dùng để cào tuyết trong mùa đông ở Bulgaria. Những vùng ôn đới lạnh như Ý, Albania, Nam Tư, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Grudia, Azerbaijan và một số vùng núi lạnh của châu Á như Pakistan, AfghanistanNepan cũng thấy có nhiều trâu[1]. Có giả thuyết cho rằng, người Mông Cổ- Thổ Nhĩ Kỳ khi xâm lược châu Âu đã đưa trâu vào đây. Nhưng đúng hơn có lẽ chúng đã được những người tham gia thập tự chinh đem về.

Vào cuối thế kỷ 13, một số lớn trâu đã được nuôi ở khu vực sông Đanuýp và vùng đầm lầy Pontin ở Ý. Trâu được thuần dưỡng là một vật nuôi rất quan trọng trong đời sống người dân một số vùng ở châu Á. Chúng cho sức kéo, thịt và sữa nhưng cũng thấy có ở Hungary, Rumania, Nam Tư, Hy Lạp, Bulgaria, Azerbaijan, Grudia[10] Năm 1807, Napoleon đem trâu từ Ý về vùng Landes thuộc tây nam nước Pháp và thả chúng gần Mont-de Marsan. Chúng trở thành trâu hoang, sống và sinh sôi nẩy nở trong rừng, nhưng không may chúng bị những nông dân săn bắt để làm thịt và khi Napoleon bị lật đổ thì chúng cũng bị làm thịt hết[1].

Thịt trâu cũng là một loại thịt ngon. Một nghiên cứu đánh giá độ ngon của ba loại thịt là thịt trâu, thịt bò lai (giữa giống bò Jamaica Đỏ với bò Sahiwal) và thịt bò loại 1 nhập từ châu Âu đã được thực hiện ở Trinidad. Tất cả 28 bữa ăn đã được thí nghiệm trong một công ty bán thịt, các thành viên ban giám khảo không ai được biết về tên của các loại thịt. Tất cả thịt được bảo quản lạnh trong một tuần trước khi nấu. Thịt trâu được 14 người cho điểm cao nhất, thịt nhập từ châu Âu chỉ được 7, thịt bò lai được 5 người cho điểm cao nhất, có hai người nói thịt trâu và thịt bò lai ngon như nhau và ngon hơn thịt bò nhập từ châu Âu. Thịt trâu nhận điểm cao nhất về màu, hương vị, nhưng không thấy có sự khác nhau về kết cấu của thịt[1].

Italia

Một giống trâu đang được nuôi ở Ý

Ở Italia, trâu đã được du nhập và nuôi hơn 600 năm về trước[21] trâu được nuôi nhiều ở vùng đồng lầy Pontine phía đông nam của Rome và vùng phía nam của Naples. Người Ý coi thịt trâu là loại thịt bổ do các đặc điểm nêu trên và còn do thịt trâu có khá nhiều acid béo omega-3 như EPA (Eicosapentoenoic Acid, C20:53) và DHA (Docosahexaenoic Acid, C22:63), các acid béo này chữa được nhiều bệnh như tim mạch, ung thư, suy giảm trí nhớ[1]. Ý là nước có số lượng trâu tăng liên tục, giống trâu ở đây là trâu Địa Trung Hải được nuôi trong cả nước. Trâu được nuôi để lấy sữa sản xuất pho mát, còn thịt thì vẫn ít được chú ý. Người nuôi trâu cho rằng nuôi trâu cho hiệu quả kinh tế cao vì sữa trâu được bán để sản xuất pho mát nổi tiếng (Mozzarella di Buffalo) cho tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu.

Thịt trâu là sản phẩm phụ, nhiều vùng không có tập quán ăn thịt trâu, vì vậy trâu loại thải bán rất rẻ, còn trâu tơ lấy thịt không có, nghé đực sinh ra bị giết chết. Nhiều ý kiến cho rằng thịt trâu tơ vỗ béo có chất lượng cao và khuyến khích nuôi trâu thịt nhưng vẫn chưa phát triển. Ý không làm công tác lai tạo trâu mà chỉ có chọn lọc nhân thuần để cải tiến di truyền nâng cao năng suất đàn trâu sữa của họ. Công tác chọn lọc bắt đầu tiến hành quy mô từ những năm 1980, kiểm tra qua đời sau vào năm 1986. Kiểm tra chất lượng giống dựa vào các chỉ tiêu năng suất pho mát, lượng sữa, tỷ lệ mỡ sữa, tỷ lệ protein sữa, sản lượng protein sữa. Những trâu đực giống và trâu cái đã được kiểm tra có tiềm năng đặc biệt tốt sẽ được công bố trên ca-tô-lô.

Bungari

Một trong những quốc gia châu Âu đi đầu trong công tác giống trâu là Bun-ga-ri. Trâu đã được nuôi ở Bun-ga-ri vào thế kỷ 13. Nước này chỉ nuôi trâu sông để khai thác sữa, vì vậy mục tiêu chương trình giống trâu quốc gia Bun-ga-ri là tập trung cải thiện khả năng cho sữa của trâu. Công tác chọn lọc nhân thuần được họ tiến hành thường xuyên qua rất nhiều năm và nhiều thế hệ. Các bước tiến hành theo một trình tự nhất định từ khâu ghi chép theo dõi đến chọn con mẹ, chọn con con và kiểm tra qua đời sau mới đưa vào sử dụng. Trong quá khứ, Bun-ga-ri nuôi trâu địa phương là trâu Địa Trung Hải, nhưng trong mấy thập kỷ gần đây trâu Murrah đã được nhập vào năm 1962. Trước đây trâu được nuôi với mục đích kiêm dụng cầy kéo, sữa, thịt.

Đến đầu thế kỷ 20 trâu được nuôi chủ yếu với mục đích lấy sữa. Trâu Murrah được nhập từ rất lâu và qua nhiều năm lai tạo giữa trâu địa phương là trâu Địa Trung hải (Mediterranean) với trâu Murrah đã hình thành nên giống trâu Murrah Bun-ga-ri. Đàn trâu này được nuôi dưỡng và chọn lọc tốt đã ổn định và cho khả năng sản xuất tốt, chủ yếu là khả năng cho sữa khá cao. Trâu Murrah Bun-ga-ri cũng được chuyển tới nhiều nước để làm công tác cải tạo khả năng sản xuất trâu địa phương. Các nước như Ru-ma-ni, A-zec-bai-zan, Gioc-gia… Người ta đã sử dụng trâu đực Murrah Bun-ga-ri để lai với trâu cái địa phương (cũng là trâu sông) tạo con lai tốt hơn về sinh trưởng, hình dáng, khả năng vỗ béo và sản lượng sữa.

Châu Mỹ

Trong những năm gần đây một số nước ở Nam Mỹ cũng chú ý phát triển con trâu. Brazil đã nhập trâu từ Ý và Ấn Độ[22]. Thịt trâu và sữa trâu được bán rộng rãi ở các thành phố vùng Amazon, giá thịt trâu ở đây tương đương với giá thịt bò. Các nước khác như Trinidad, Venezuela, Colombia, Guyan, Costa Rica, Ecuador, Cayenne, Panama, Surinam cũng đang nuôi và phát triển đàn trâu[23]. Ở Venezuela phomat trâu được bán với giá 15 bolivar/kg, trong khi phomat làm từ sữa bò chỉ bán được 8 bolivar/kg. Sữa trâu đặc hơn sữa bò do ít nước hơn, hàm lượng mỡ sữa đạt tới 7 - 8%, cao hơn của bò 50 - 60%, do vậy cứ 100 g sữa trâu cho 110 kcal năng lượng, trong khi sữa bò chỉ cho 66 kcal năng lượng. Hàm lượng protein trong sữa trâu cũng giàu hơn sữa bò. Hàm lượng acid béo no cao hơn sữa bò, nhưng cholesterol thì lại thấp hơn[1].

Một đàn trâu ở Brasill

Quần thể trâu châu Mỹ khá khiêm tốn, tuy vậy nhiều quốc gia cũng rất chú ý tới công tác giống trâu. Bra-xin là nước có quần thể trâu lớn ở khu vực này và công tác giống trâu cũng được tiến hành tốt. Do đặc điểm chăn nuôi và điều kiện mà nước này áp dụng các giải pháp khác nhau, tuy nhiên vẫn dựa vào những nguyên tắc chung là chọn lọc nhân thuần. Tại các trại nghiên cứu họ cũng tiến hành kiểm tra cá thể và kiểm tra qua đời sau nhưng trong điều kiện sản xuất họ lại áp dụng phương pháp đơn giản hơn là đàn trâu được phân làm hai nhóm: nhóm A là đàn trâu hạt nhân đã chọn lọc (20% trâu có năng suất cao nhất) và nhóm B là 80% còn lại.

Đàn giống A để sản xuất ra trâu đực giống, đàn giống B sản xuất ra đàn trâu cái sinh sản (trâu đực ở đàn này chỉ để vỗ béo lấy thịt). Đàn trâu đực sinh ra từ nhóm bố A sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt về khả năng sinh trưởng và các chỉ tiêu khác để chọn 1% tốt nhất để phối giống cho đàn trâu cái hạt nhân, 49% trâu đực tốt tiếp theo sẽ chọn làm đực giống phối cho đàn trâu cái đại trà và 50% đực còn lại không dùng làm đực giống, chỉ để nuôi lấy thịt.

Các nước vùng Nam Mỹ như Bra-xin, Vê-nê-du-ê-la, Tri-ni-dad nuôi chủ yếu trâu sông với mục đích chính là lấy sữa. Công tác lai tạo cũng được tiến hành, họ dùng trâu đực Murrah lai với trâu cái Địa Trung Hải để cải thiện khả năng sản xuất. Họ không những chỉ lai hai giống mà một số nước cả lai 3 giống tuỳ thuộc vào sở thích và nguồn giống họ có. Kết quả là họ đã thu được những con lai có khả năng cho sữa tốt hơn và thích nghi tốt trong điều kiện sinh thái, nuôi dưỡng của họ.

Đặc biệt ở Tri-ni-dad đã thành công khi cho lai nhiều giống trâu sông khác nhau và đã tạo được một giống trâu thịt mới nổi tiếng, đó là trâu Bufalypso. Giống trâu này được lai tạo từ trâu Nili-Ravi, trâu Jafarabadi, trâu Surti, trâu Nagpuri và trâu Murrah được nhập từ Ấn Độ vào Tri-ni-dad từ đầu thế kỷ 20. Bufalypso là tên ghép của Buffalo (trâu) và Calypso là tên của một loại nhạc dân gian ở Tri-ni-dad. Đối với trâu, có thể có nhiều giống trâu sữa nhưng trâu thịt thì đây là giống trâu thịt mới được công nhận trên phạm vi quốc tế có khả năng cho thịt cao và chất lượng thịt ngon.

Châu Phi

Trâu đã có mặt ở thung lũng Jordan lần đầu tiên vào năm 723 sau công nguyên. Chắc chắn là chúng được người Arập đưa từ vùng Lưỡng hà vào đây và có thể vào cả Ai Cập. Từ thời Trung cổ người nông dân Ai Cập đã nuôi trâu, từ đó nó trở nên con gia súc quan trọng của Ai Cập hiện nay. Trong 50 năm gần đây, đàn trâu đã tăng gấp đôi và đạt 2 triệu con. Trâu bây giờ trở thành con vật cung cấp thịt nghé ngon mềm hơn nhiều gia súc, chúng cũng cung cấp sữa, dầu ăn và pho mat[1].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nuôi trâu http://123.25.71.107:82/hoidap/vi/news/Chan-nuoi/B... http://www.baoyenbai.com.vn/215/118619/Nuoi_trau_t... http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/giau-su-nh... http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_xahoi/_mo... http://danviet.vn/cam-nang-nha-nong/xay-chuong-tri... http://khcncaobang.gov.vn/index.php?language=vi&nv... http://wcag.mard.gov.vn/pages/news_detail.aspx?New... http://nongnghiep.vn/con-trau-vien-ngoc-quy-chau-a... http://nongnghiep.vn/nuoi-trau-post117259.html http://baosonla.org.vn/News/?ID=8198&CatID=111